Ông Nguyễn Hải Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, giám đốc Chương trình Phát triển giáo dục trung học, cho biết: Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là triển khai dạy học bằng tiếng Anh ở các môn học. Trước tiên sẽ dạy một số môn học chuyên tự nhiên bằng tiếng Anh như Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học... sau đó sẽ mở rộng dần đến các môn khoa học xã hội. Đối với các môn xã hội không phải học hết bằng tiếng Anh mà học sinh chỉ học tiếng Anh theo các chuyên đề còn bình thường vẫn học bằng tiếng Việt.
Về việc triển khai dạy học các môn bằng tiếng Anh ở tất cả các trường chuyên liệu các trường đã chuẩn bị kịp các điều kiện như giáo viên, cơ sở vật chất, ông Châu cho biết, trong thời gian tới, 63 trường chuyên trên toàn quốc sẽ được cung cấp trang thiết bị theo các cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện hiện có của từng trường và nhu cầu sử dụng. Mục tiêu của việc cung cấp trang thiết bị là nhằm hỗ trợ các trường chuyên những cơ sở vật chất tốt nhất, tiến tới xây dựng các trường chuyên theo hướng mô hình trường học ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Ông Châu cho hay, theo xu hướng toàn cầu hóa, việc học ngoại ngữ là không thể thiếu vì nó là một trong những chìa khóa để tiếp cận với các nền công nghiệp tiên tiến. Có rất nhiều học sinh giỏi nhưng không thể nhận học bổng của các tổ chức quốc tế vì không đủ điểm IELTS hoặc TOEFL. Học sinh các nước châu Âu, châu Mỹ có điều kiện học nhiều ngoại ngữ cùng một lúc. Còn đối với học sinh Việt Nam, hiện tại chúng ta mới có thể đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều có thể nói và viết tiếng Anh thành tạo. Học sinh các trường chuyên sẽ là những học sinh nguồn để đạt được mục tiêu này.
Do vậy, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giáo viên chuyên là tối cần thiết và được củng cố trước. Hiện nay hơn 1.000 giáo viên các trường THPT chuyên trên toàn quốc đã được tập huấn nội dung chuyên sâu, tiệm cận với chương trình quốc tế vào năm 2010. Chương trình phát triển giáo dục trung học có kế hoạch tập huấn tiếng Anh cho 456 giáo viên dạy các môn học ở trường chuyên. Hoạt động này được thực hiện hàng năm từ năm 2011 để đảm bảo hỗ trợ các giáo viên dạy môn học của mình bằng tiếng Anh. Tổng kinh phí tập huấn tiếng Anh cho giáo viên chuyên là 638.400 đô la Mỹ.
Bộ quy định những trường nào có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thì mới triển khai dạy tiếng Anh ở một số môn học. Sau đó, mỗi năm sẽ mở rộng ra các trường khác.
Được biết, tổng số vốn của “Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020” là hơn 2.312 tỷ đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo hơn 1.295 tỷ đồng, vốn ODA là 953,65 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 63,792 tỷ đồng.
Mục đích đầu tư của Đề án là củng cố, xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên hiện tại đồng thời với tăng dần quy mô; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường THPT chuyên với tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2% số học sinh THPT của từng tỉnh, thành phố.
Đề án tập trung đầu tư nâng câp các trường THPT chuyên thành các trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao. Ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2015, có 100% trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. |